Thứ Năm, 31 tháng 8, 2017

Vì sao Mỹ không bắn hạ tên lửa Triều Tiên dù bay qua Nhật Bản?


Hôm 28/8, Triều Tiên đã cho phóng thử một tên lửa đạn đạo tầm trung bay qua lãnh thổ Nhật Bản. Đây là hành động khiêu khích mới nhất của Bình Nhưỡng với Mỹ và các đồng minh của Washington.


Theo National Interest, khi tên lửa Triều Tiên bay qua lãnh thổ Nhật Bản, câu hỏi đặt ra là Mỹ và Nhật Bản đã tính tới phương án bắn hạ tên lửa của Triều Tiên hay chưa? Giới phân tích đưa ra nhận định không chắc chắn nhưng câu trả lời thực tế là "Không".

Đóng băng chương trình phóng thử tên lửa của Bình Nhưỡng có thể là một trong những cách giúp hạ nhiệt căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.

"Bộ Quốc phòng Mỹ đã phát hiện và theo dõi hoạt động phóng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên vào ngày 28/8. Theo đánh giá ban đầu, đây là vụ phóng một tên lửa đạn đạo tầm trung. Vụ phóng diễn ra tại căn cứ không quân Sunan của Triều Tiên và tên lửa được phóng về phía đông. Tên lửa đạn đạo của Triều Tiên đã bay qua lãnh thổ phía bắc Nhật Bản trước khi rơi xuống Thái Bình Dương ở khu vực cách bờ biển phía đông Nhật Bản 500 hải lý. Chúng tôi đang phối hợp với các đối tác để có thêm đánh giá chi tiết và cập nhật thông báo trước dư luận", National Interest dẫn tuyên bố từ Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ (PACOM).


"Lời cam kết bảo vệ các đồng minh như Hàn Quốc và Nhật Bản trước các mối đe dọa vẫn vô cùng kiên định. Chúng tôi sẵn sàng bảo vệ quốc gia cũng như các nước đồng minh trước mọi hành động tấn công hoặc khiêu khích", tuyên bố từ PACOM nhấn mạnh.


Vậy Mỹ và Nhật Bản có thể làm gì nếu như Triều Tiên lại tiếp tục cho phóng một tên lửa đạn đạo bay qua lãnh thổ Nhật Bản trong tương lai? Câu trả lời có thể là không làm gì cả.


"Không rõ liệu họ có thể bắn hạ tên lửa Triều Tiên chỉ vì nó bay qua lãnh thổ Nhật Bản. Hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis có năng lực bắn hạ tên lửa nhưng điều đó không có nghĩa Aegis có thể đuổi theo tên lửa của Triều Tiên để tiêu diệt. Như tôi biết, các tàu chiến trang bị hệ thống tên lửa đánh chặn Aegis thường tới vị trí nằm dưới bệ phóng và mục tiêu tấn công của tên lửa đối phương. Do đó, các tàu chiến trang bị hệ thống phòng thủ Aegis thường hiện diện ở biển Nhật Bản nhiều hơn so với trên Thái Bình Dương", ông Joshua H. Pollack, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu giải trừ các loại vũ khí hủy diệt James Martin chia sẻ.


Trong khi đó, chuyên gia kiểm soát vũ khí kiêm người đứng đầu Tổ chức Ploughshares Fund, ông Joseph Cirincione khẳng định, Nhật Bản "không thể" làm gì để có thể bắn hạ tên lửa Triều Tiên.


"Hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot chỉ có thể ngăn chặn các tên lửa tầm ngắn. Dù hệ thống Aegis được trang bị trên các tàu tuần dương và tàu khu trục thì năng lực tiêu diệt tên lửa đối phương cũng chỉ như Patriot. Trong khi Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc lại ở quá xa. Do đó, không có bất cứ hệ thống phòng thủ tên lửa nào đang hoạt động có thể ngăn chặn Triều Tiên tiếp tục phóng tên lửa. Ngay cả khi những hệ thống này hoạt động trơn chu cũng không thể ngăn tên lửa Triều Tiên trong khi thực tế, những hệ thống này không đạt tới chất lượng yêu cầu", ông Cirincione nhận định.


Cũng theo ông Cirincione, cả khi Nhật Bản đầu tư thêm lắp đặt các hệ thống phòng thủ tên lửa thì khả năng ngăn chặn các vụ thử tên lửa đạn đạo tầm trung của Triều Tiên cũng không cao.



"Nếu Nhật Bản mua THAAD, họ sẽ đặt ở thành phố Sapporo trên đảo Hokkaido để ngăn chặn một vụ thử nghiệm tên lửa từ phía bắc", ông Cirincione nói.

Mỹ cần phải học cách chung sống với một quốc gia hạt nhân như Triều Tiên.

Nhưng khi đối mặt với một cuộc tấn công thực tế, dường như không có hệ thống phòng thủ tên lửa nào có thể đảm bảo khả năng phòng thủ đáng tin cậy cho Nhật Bản.


"Không có loại vũ khí phòng thủ tên lửa nào đang hoạt động đủ khả năng bảo vệ đáng tin cậy cho Nhật Bản chống lại một vụ tấn công từ loạt tên lửa cũng như các biện pháp đối phó và nỗ lực xuyên thủng hệ thống phòng thủ của Triều Tiên", ông Cirincione nói.


Ông Pollack nói thêm rằng, các hệ thống phòng thủ tên lửa thường đắt đỏ và hiếm có. Vậy liệu Mỹ và Nhật Bản có lãng phí vũ khí chỉ để bắn rơi một tên lửa mà Triều Tiên phóng thử nghiệm trong khi tên lửa của Triều Tiên lại hướng về phía vùng biển mở?


Tuy nhiên, ông Pollack cũng tỏ ra hoài nghi trước việc Mỹ và Nhật Bản sẽ thống nhất trong cách xử lý trước các vụ phóng tên lửa trong tương lai của Triều Tiên.


"Tôi không chắc rằng hai bên sẽ còn đồng thuận trong cách giải quyết các vụ phóng tên lửa sắp tới của Triều Tiên. Tôi cho rằng, ít nhất hai bên cũng có một cơ chế giải quyết khủng hoảng hay đường dây nóng liên quân để tránh những hiểu lầm thông tin nghiêm trọng", ông Pollack chia sẻ.


Còn theo ông Cirincione, cách tốt nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên hiện nay là tiến hành đàm phán với Bình Nhưỡng để đóng băng các vụ thử tên lửa.


"Giải pháp duy nhất như các cựu quan chức và chuyên gia Mỹ nhắc tới trong vài năm qua là kết hợp các biện pháp trừng phạt đa phương cứng rắn với ngoại giao sáng tạo để tiến tới đàm phán giới hạn chương trình phát triển tên lửa của Triều Tiên cũng như đóng băng các vụ phóng thử tên lửa. Chúng ta cần ngay lập tức tiến hành đối thoại với Triều Tiên để tìm ra con đường khả thi cho quá trình đàm phán chính thức mới", ông Cirincione kết luận.


Theo National Interest, quan trọng nhất là thực tế, Triều Tiên đang là một quốc gia hạt nhân sở hữu hàng loạt tên lửa tầm xa. Và Mỹ cần phải học cách chung sống với một quốc gia hạt nhân như Triều Tiên.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét