Thứ Năm, 31 tháng 8, 2017

Trung Quốc: trồng cần sa hợp pháp và lợi nhuận cao

Khách du lịch tại một trang trại trồng cần sa hợp pháp ở tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc -  Ảnh chụp màn hình truyền hình Trung Quốc ​

Tháng 8-2014, những bức ảnh vệ tinh về một khu vực phía đông bắc Trung Quốc đã gây sửng sốt nhiều người: một trang trại trồng cần sa khổng lồ.


Rất nhanh chóng sau đó, Cục Không gian quốc gia Trung Quốc đã xóa toàn bộ các bức ảnh mà không một lời giải thích.


Thế nhưng, trước áp lực và những đồn đoán ngày càng mạnh của dư luận, Bộ Công an Trung Quốc đã phải lên tiếng.


Họ khẳng định đó là một khu trồng cần sa hợp pháp. Và đó là lần đầu tiên người ta biết tới một trang trại trồng cần sa lớn bằng khu công nghiệp.


Nguồn lợi lớn


Cứ mỗi tháng 4 hằng năm, nông dân Jiang Xingquan tại tỉnh Hắc Long Giang lại dành một phần đất nhỏ trong trang trại để trồng cần sa.


Giống như nhiều nông dân khác ở xứ sở giáp Nga này, Jiang đang trồng cần sa một cách hợp pháp. Một vài trang trại khác trồng gai dầu, một loại cây được tính chung vào nhóm cây cần sa.


Đối với họ, gai dầu hay cần sa là thứ “vàng xanh”, đem lại doanh thu mỗi hecta đến 10.000 nhân dân tệ/vụ (khoảng 1.500 USD), trong khi những cây phổ biến khác như bắp chỉ đem lại khoảng vài nghìn nhân dân tệ.


Người ta bán thân cây để dệt vải đắt tiền, lá cho các công ty dược phẩm làm thuốc và hạt cho các công ty thực phẩm làm đồ ăn nhẹ, dầu, đồ uống.


Chính quyền tỉnh Hắc Long Giang đã từng làm ngơ cho việc trồng gai dầu trước khi nó được hợp pháp hóa vì mục đích thương mại vào năm ngoái, theo báo South China Morning Post(SCMP).


Một vùng trồng cần sa thương mại hợp pháp cũng đã được quy hoạch tại tỉnh Vân Nam kể từ năm 2003.


Thống kê của Chính phủ Trung Quốc cho biết chỉ riêng các trang trại của Hắc Long Giang và Vân Nam đã chiếm tới 1/2 diện tích trồng cần sa hợp pháp của thế giới. Không có số liệu chính thức về tổng sản lượng cần sa từ các trang trại Trung Quốc.


Tuy nhiên, theo SCMP, nhờ những nghiên cứu được chính phủ tài trợ và nhu cầu ngày càng lớn từ quân đội, tốc độ mở rộng của các trang trại cần sa, cả hợp pháp lẫn bất hợp pháp, đang ở mức nhanh chưa từng thấy.


Một nửa bằng sáng chế về cần sa


Cần sa hay gai dầu đã xuất hiện và được sử dụng phổ biến từ lâu trong lịch sử Trung Quốc nhưng việc nghiên cứu ứng dụng chỉ bắt đầu được đẩy mạnh gần đây.


Theo các nhà nghiên cứu lịch sử, Trung Quốc bắt đầu để ý nhiều hơn đến cây gai dầu vào những năm cuối 1970. Quân đội Trung Quốc khi đó cần một loại vải có thể giúp các binh sĩ khô ráo và chất xơ từ thân cây gai đầu đã đáp ứng điều đó.


Một số bệnh viện dã chiến Trung Quốc sử dụng cần sa như một loại thuốc.


Số liệu của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới cho thấy hơn một nửa trong tổng số 600 bằng sáng chế liên quan tới cây cần sa nói chung là của Trung Quốc.


“Cần sa đang ngày càng được chấp nhận trong y học phương Tây. Việc phần lớn các bằng sáng chế liên quan tới loại cây này thuộc về Trung Quốc cho thấy sự đầu tư và phát triển của khoa học dược Trung Quốc đã bỏ xa phương Tây” - tiến sĩ Luc Duchesne, một nhà sinh học Canada, nói với SCMP.


Tại một số địa phương thuộc Vân Nam, nhiều nông dân trước trồng lanh, nay đã chuyển hẳn sang cây gai dầu vì lợi nhuận cao hơn.


Năm ngoái Chính phủ Trung Quốc từng tính đến chuyện mạnh tay dẹp bỏ những trang trại gai dầu kiểu này. Tuy nhiên, lo ngại sự phản ứng mạnh của nông dân đã khiến mọi việc dừng lại.


Khác biệt ở hàm lượng chất THC


Gai dầu, tài mà hay gai mèo là những tên gọi khác để chỉ chung cây cần sa (cannabis). Sự khác biệt giữa gai dầu (hemp) và cần sa sản xuất ma túy (marijuana) nằm ở hàm lượng chất THC, tác nhân chính gây ra khoái cảm, nghiện.


Điều 247 Bộ luật hình sự Việt Nam năm 2015 quy định cụ thể về “tội trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy”.

​Đại sứ Nga: Matxcơva sẽ không yêu cầu dỡ bỏ cấm vận

Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov - Ảnh: REUTERS

Trong bài trả lời phỏng vấn đăng trên tờ Kommersant của Nga ngày 30-8, Đại sứ Antonov nêu rõ: “Nga sẽ không bao giờ và cũng không có ý định yêu cầu hủy bỏ các biện pháp cấm vận (của Mỹ đối với Nga), dù rõ ràng các biện pháp này là thái độ thù địch chống lại đất nước chúng ta”.


Theo lời của người thay thế đại sứ Sergei Kislyak vừa mãn nhiệm, “bất kể thế nào, rõ ràng Nga và Mỹ chỉ có thể hợp tác hiệu quả khi các công cụ gây sức ép không còn được dùng trong đối thoại. Không có chỗ cho chuyện mặc cả và những ý định áp đặt ý muốn của mình”.


Người đại diện ngoại giao của Nga tại Mỹ nhấn mạnh: “Quả bóng giờ trên sân của Washington”.


Tuy nhiên ông Antonov cũng tuyên bố Matxcơva và Washington nên thiết lập lại các liên lạc trực tiếp giữa những người đứng đầu ngành ngoại giao và an ninh, quân sự hai nước.


"Giờ đã đến lúc nối lại các cuộc họp chung giữa các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng của Mỹ và Nga theo mô hình 2+2", ông nói trên tờ báo Nga.


Ông cũng kêu gọi tổ chức các cuộc gặp giữa người đứng đầu Cơ quan An ninh Liên bang (FSB) và Cơ quan Tình báo Đối ngoại (SVR) của Nga với Cục Điều tra Liên bang (FBI) và Cục Tình báo Trung ương (CIA) của Mỹ.


Ngoài ra, ông cũng cho rằng một cơ chế "hợp tác làm việc" giữa Hội đồng An ninh của Nga và Hội đồng An ninh Quốc gia của Mỹ cũng có thể giúp đối phó với chủ nghĩa khủng bố và các mối đe doạ an ninh mạng, đồng thời hỗ trợ cho sự ổn định chiến lược.


Các mối liên lạc về quân sự giữa Nga và Mỹ đã bị đóng băng từ năm 2014 liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine và việc bán đảo Crimea sáp nhập về Nga.


Sau vụ việc đó, tân Đại sứ Antonov, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao cũng như nguyên Thứ trưởng Quốc phòng Nga, trở thành mục tiêu trừng phạt của châu Âu và Canada nhưng ông cho rằng điều đó không ảnh hưởng đến công việc mới của ông tại Mỹ.


Mối quan hệ ngoại giao của hai nước có những lúc bị đánh giá là “tệ hơn thời chiến tranh lạnh”, đặc biệt từ năm 2016 sau các biện pháp trừng phạt của chính quyền Barack Obama liên quan thông tin Nga tìm cách can thiệp bầu cử tổng thống ở Mỹ.


Hôm 28-8 vừa qua, Bộ Ngoại giao Nga cho biết ông Antonov đã có cuộc gặp với tân đại sứ Mỹ tại Nga John Tefft ở Matxcơva để bàn về quan hệ hai nước cũng như một số vấn đề quốc tế khác.

Ngư dân Trung Quốc bị phạt tù và 5 triệu USD

Cơ quan chức năng Ecuador kiểm tra số cá mập bị bắt và xả thịt trên tàu cá Trung Quốc - Ảnh: GALAPAGOS NATIONAL PARK

Theo hãng tin UPI, bản án được tuyên sau khi nhà chức trách Ecuador bắt giữ tàu đánh cá mang cờ Trung Quốc cùng 20 ngư dân vì hành vi đánh bắt hải sản trái phép ở Khu bảo tồn biển Galápagos của Ecuador.


Trước đó ngày 13-8, tàu cá Fu Yuan Leng 999 cùng các ngư dân trên đó đã bị cơ quan chức năng Ecuador bắt giữ trong vùng biển nước này với hơn 300 tấn cá mập và nhiều sinh vật biển khác được cho là đã đánh bắt tại Khu bảo tồn biển Galapagos của Ecuador.


Đây được đánh giá là vụ đánh bắt hải sản trái phép với quy mô lớn nhất trước nay bị nhà chức trách Ecuador phát hiện và bắt giữ.


"Đã có hàng ngàn, nếu không phải là hàng chục ngàn con cá mập (trên tàu cá)". Nhà sinh thái học Pelayo Salinas mô tả với trang National Geographic. "Sự việc này sẽ đi vào lịch sử. Chắc chắn là vụ thu giữ số cá mập lớn nhất trong lịch sử Galápagos".


Đài NPR (Mỹ) đưa tin có 6.600 con cá mập đã chết trên tàu cá Trung Quốc.


Bản án ngay lập tức nhận được sự hưởng ứng của các quan chức môi trường Ecuador - những người đã liên tục lên án hoạt động đánh bắt hải sản trái phép đã và đang diễn ra tại các vùng biển xung quanh quần đảo Galápagos.


Thông cáo của Bộ môi trường Ecuador nêu: "Bản án là một dấu mốc về luật môi trường trong khu vực và là cơ hội sinh tồn với các giống loài di trú".


"Không dung thứ với các tội ác môi trường!", Bộ trưởng môi trường Ecuador, ông Tarsicio Granizo, viết trên tài khoản Twitter sau khi phán quyết được tuyên.


Nhà chức trách Ecuador thường áp dụng biện pháp bắt giữ để hối thúc chính quyền Bắc Kinh triển khai thêm các biện pháp ngăn ngừa hoạt động đánh bắt hải sản trái phép của các tàu thuyền Trung Quốc.


Tuy nhiên sau phán quyết của tòa Ecuador, tại phiên họp báo thường kỳ chính phủ Trung Quốc, người phát ngôn Bộ ngoại giao, bà Hoa Xuân Oánh, cho biết mặc dù Trung Quốc không dung thứ hành vi đánh bắt trái phép, tuy nhiên vẫn đang điều tra về vụ việc ở Galapagos trước khi xác nhận về hành vi phạm pháp của các ngư dân.

Tổng thống Pháp quyết cải cách để giảm thất nghiệp

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron - Ảnh: AFP

Trả lời tuần báo Le Point, vị tổng thống 39 tuổi tuyên bố sẽ thúc đẩy sửa đổi luật lao động cứng nhắc của Pháp.


"Chúng ta là nền kinh tế lớn duy nhất tại Liên minh châu Âu không đánh bại được nạn thất nghiệp trong hơn ba thập niên qua. Như tôi đã hứa, cải cách lần này sẽ hiệu quả để tiếp tục giảm tỉ lệ thất nghiệp và chúng ta sẽ không phải quay lại chủ đề này trong suốt nhiệm kỳ của tôi" - ông Macron chia sẻ.


Hãng tin AFP cho biết dự tính hôm nay, 31-8, thủ tướng Edouard Philippe sẽ công bố kế hoạch cải tổ lại bộ luật lao động, tạo điều kiện cho các ông chủ linh động hơn trong việc đàm phán về lương bổng và các điều kiện làm việc với nhân viên của họ.


Những cải cách này cũng là nền tảng cho kế hoạch của ông Macron nhằm tự do hóa nền kinh tế để thúc đẩy tăng trưởng và giảm tỉ lệ thất nghiệp ở mức 9,5%.


Tuy nhiên, tổng thống Macron cũng đang đối mặt với những đe dọa biểu tình hàng loạt của các tổ chức công đoàn và đảng phái chính trị.


Tổng Liên đoàn Lao động (CGT) lớn nhất nước Pháp đã tuyên bố sẽ tổ chức đình công toàn quốc và biểu tình trong ngày 12-9. Đảng cực tả France Unbowed cũng lên kế hoạch biểu tình vào ngày 23-9.


Theo hãng tin Reuters, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy người dân Pháp đang hoang mang về các cải cách của chính quyền. Chẳng hạn 60% người được hỏi lo lắng về cuộc cải cách sắp tới nhưng khi xem xét các biện pháp cụ thể thì có 61% đồng ý rằng các ông chủ nên có quyền lập thỏa thuận thuê/sa thải thông qua một cuộc trưng cầu nội bộ.


Tuy nhiên, một trong những cải cách chính về bồi thường thiệt hại cho những vụ sa thải bất công lại không được lòng dân. Hơn 62% người tham gia khảo sát đã phản đối cải cách này.


"Tôi sẽ phải sống với sự thiếu kiên nhẫn của người dân trong vòng vài tháng tới" - ông Macron trả lời trên Le Point.

Bình Nhưỡng gửi thông điệp gì qua các quả tên lửa?

Binh sĩ Hàn Quốc xem màn hình thông tin về khả năng tên lửa của Bình Nhưỡng bấn đến đảo Guam của Mỹ - Ảnh: REUTERS

Bài phân tích dưới đây do một cựu quan chức tình báo phương Tây với hàng chục năm kinh nghiệm về châu Á chấp bút, theo Đài CBS của Mỹ.


Từ góc nhìn của Bình Nhưỡng, màn đối đầu với Mỹ có thể giải thích như sau:


Trước ngày Tổng thống Donald Trump nhậm chức, Triều Tiên đã giải thích rõ họ sẵn sàng cho tân chính quyền Mỹ một khoảng thời gian để cân nhắc lại chính sách và đưa ra một lời đề nghị tốt hơn Tổng thống Obama. Lời cảnh báo duy nhất: đó là nếu Mỹ vẫn cứ tiếp tục các cuộc tập trận thường niên với Hàn Quốc, Triều Tiên sẽ phản ứng.


Nói một cách ngắn gọn, Mỹ đã làm điều đó, và Triều Tiên đã phản ứng.


Triều Tiên "dò đá qua sông"


Đằng sau bức màn, liên lạc giữa hai nước khi trồi khi sụt, nhưng không có mấy tiến triển.


Có thể thấy ban lãnh đạo Bình Nhưỡng cũng thực thi chính sách nắn gân, thăm dò chẳng khác kiểu thương lượng già rơ của tổng thống Donald Trump.


Tháng 4-2017, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un cho phô trương một số loại tên lửa mới như lời cảnh báo trước đó, cũng vô hiệu.


Bình Nhưỡng thử hết hệ thống này đến hệ thống khác. Nhưng cách tiếp cận của Washington vẫn không thay đổi.


Ngày 4-7, sau khi Triều Tiên lần đầu tiên phóng thử thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), ông Kim Jong Un công khai gửi đi tín hiệu rằng Bình Nhưỡng có thể đặt chương trình hạt nhân và tên lửa “lên bàn đàm phán” nếu Mỹ chịu thay đổi.


Mỹ đã không đồng ý, và Triều Tiên phóng một quả ICBM khác ngày 28-7, cảnh báo rằng Washington không nên xem nhẹ nước này.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đến xem tên lửa Hwasong-12 trong một địa điểm không được công bố. Đây là loại được bắn đi sáng 29-8 vừa qua - Ảnh: REUTERS
Mọi phương án với Triều Tiên đã được đặt trên bàn"
Tổng thống Donald Trump một lần nữa nhắc lại khả năng có thể dùng biện pháp quân sự vì "không thể nói chuyện với Triều Tiên thêm được nữa" trong dòng Tweet ngày 30-8

Nhưng rốt cuộc Mỹ lại điều thêm máy bay ném bom chiến lược B-1 bay thị uy trên bán đảo Triều Tiên, và Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thông qua lệnh cấm vận mới nhắm đến ban lãnh đạo Bình Nhưỡng dưới sức ép ngoại giao của Mỹ.


Kết quả là Bình Nhưỡng buộc phải chơi "nước cờ thí" mang tên Guam: 4 quả tên lửa sẽ bắn về phía vùng lãnh thổ Thái Bình Dương của Mỹ một khi quân đội Triều Tiên trình kế hoạch cụ thể cho lãnh đạo Kim Jong UN.


Thông báo này chỉ rõ 4 quả tên lửa sẽ bay ngang trên đầu lãnh thổ Nhật Bản, báo hiệu sự kiềm chế trong các lần phóng tên lửa trước của Triều Tiên đã chấm dứt.


Ngày 14-8, ông Kim Jong Un tuyên bố đã thông qua kế hoạch Guam nhưng tạm hoãn nó lại để theo dõi thêm phản ứng của Mỹ.


Dọa Nhật là tăng độ khiêu khích


Hai tuần sau (29-8), dù sự kiềm chế vẫn còn (chỉ một chút), ông Kim cho phóng một tên lửa bay ngang bầu trời phía bắc lãnh thổ Nhật Bản vào sáng sớm khiến Tokyo phải phát lệnh báo động cho hàng triệu người dân.


Đây mới đúng là hành động “khiêu khích” thật sự đầu tiên từ phía Triều Tiên tính từ tháng 11-2010, khi Bình Nhưỡng nã pháo vào một hòn đảo của Hàn Quốc nằm ngoài khơi nước này.


Các vụ phóng tên lửa trước vụ 29-8 không đáng xếp vào dạng “khiêu khích”. Đó chỉ là thử nghiệm phần cứng hoặc trạng thái sẵn sàng hoạt động.


Các vụ thử hạt nhân trong năm 2015-2016 của Triều Tiên cũng không phải khiêu khích. Chúng chỉ là quy trình bình thường của một chương trình phát triển vũ khí.


Nhưng tên lửa bay qua Nhật? Đó là hành động khiêu khích và được thể hiện một cách rõ ràng. Triều Tiên muốn nói rằng sẽ còn nhiều lần như vậy xảy ra nếu Mỹ không thay đổi cách tiếp cận với họ.


Giữa lúc này, truyền thông nhà nước Triều Tiên “nhấp nhá” nhiều tín hiệu cho thế giới thấy hiện đang có một cuộc thảo luận chính sách căng thẳng tại Bình Nhưỡng về cách đánh giá tình hình trước mắt và những bước đi tiếp theo.

Hình ảnh dân Triều Tiên ở thủ đô Bình Nhưỡng xem hình ảnh phóng tên lửa tầm trung Hwasong-12 bay qua lãnh thổ Nhật sáng 29-8. Hình ảnh do hãng thông tấn trung ương KCNA của Triều Tiên công bố ngày 30-8

Đây không phải là tín hiệu báo trước sự “tan rã” hoặc “bất đồng” theo cách hiểu thông thường, nó gợi ý rằng những quyết định chủ chốt đang được đánh giá lại và khả năng sẽ có cơ hội cho những ý tưởng mới.


Chưa có dấu hiệu nào cho thấy dân Triều Tiên đang được huy động nhập ngũ để đối phó với một cuộc khủng hoảng quân sự. Nhưng điều này có thể thay đổi rất nhanh.


Quy mô của cuộc huy động quân (toàn quốc hoặc một phần) sẽ là chỉ dấu quan trọng, cho thấy liệu ông Kim đã hạ quyết tâm “tung xí ngầu” chưa.


Ông Kim Jong Un đến giờ phút này hoàn toàn nghiêm túc với chương trình kinh tế, và các chính sách cải cách của ông được tính toán, thực hiện một cách khéo léo.


Chúng ta cần để mắt đến những tín hiệu cho thấy Bình Nhưỡng muốn thay đổi, rằng họ tin là không còn lựa chọn nào khác ngoài chiến đấu. Nếu trường hợp đó xảy ra, chúng ta sẽ được thấy vũ khí hạt nhân bay.

Hơn 1.200 người thiệt mạng vì lũ lụt ở Nam Á

Nước lũ lênh láng tại một khu vực ở thành phố Mumbai, Ấn Độ - Ảnh: REUTERS

Theo báo Guardian (Anh) thiên tai cũng đã khiến hàng triệu người dân ở Ấn Độ, Nepal và Bangladesh buộc phải sơ tán khỏi nhà để tránh nguy hiểm sau khi đã có khoảng 1.200 người thiệt mạng tại 3 quốc gia Nam Á này.


Mưa lớn tiếp tục khiến thành phố Mumbai lớn hàng đầu của Ấn Độ rơi vào tình trạng tê liệt trong ngày thứ hai liên tiếp. Đã có ít nhất 6 người, trong đó có 2 trẻ em, đã thiệt mạng tại trung tâm tài chính này của Ấn Độ.


Đợt lũ kinh hoàng cũng đã phá hủy hoặc làm hư hỏng 18.000 ngôi trường. Tổ chức Save the Children cảnh báo nguy cơ kéo theo là khoảng 1,8 triệu trẻ em sẽ không thể đến lớp.


Theo đó, Save the Children cho rằng hàng trăm ngàn trẻ em Nam Á có nguy cơ vĩnh viễn không được tới trường nếu giáo dục không trở thành vấn đề được ưu tiên ngay từ đầu trong các nỗ lực tái thiết sau thiên tai.


Mưa lớn cũng gây lở đất, phá hỏng đường sá và làm đổ các cột truyền tải điện, cuốn trôi hàng ngàn ngôi nhà và hoa màu trên các cánh đồng ở Banglaesh, Nepal và Ấn Độ.


Hiệp hội Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) cho biết trận lụt lớn thứ tư trong năm nay đã ảnh hưởng tới hơn 7,4 triệu người ở Bangladesh và phá hỏng 697.000 ngôi nhà.


Lũ lụt cũng cướp đi sinh mạng của 514 người thuộc bang Bihar phía đông Ấn Độ. Cùng với đó thì cuộc sống của 1,7 triệu dân ở bang này cũng bị ảnh hưởng trong thiên tai.


Tại bang miền bắc Uttar Pradesh, khoảng 2,5 triệu dân bị ảnh hưởng và số người thiệt mạng tính tới ngày 29-8 đã là 109 người.


IFRC cho biết lở đất tại Nepal cũng đã khiến hơn 100 người thiệt mạng.


IFRC đang phối hợp với Hội Trăng lưỡi liềm đỏ Bangladesh và Hội chữ thập đỏ Nepal mở chiến dịch kêu gọi hỗ trợ gần 200.000 người dân đang rất cần những hỗ trợ cả tức thời lẫn lâu dài sau thiên tai.

Học sinh ở Quận Cam được học song ngữ với tiếng Việt

Một hoạt động trình diễn của các học sinh thuộc Học khu Garden Grove, Quận Cam - Ảnh chụp màn hình

Theo nhật báo The Orange County Register, học sinh tham gia chương trình trước mẫu giáo ở Học khu Garden Grove sẽ được dạy nửa ngày bằng tiếng Anh, nửa ngày còn lại bằng tiếng Việt. Chương trình này có mục đích tăng cường sự gắn kết giữa học sinh và nền văn hóa Việt Nam.


“Chúng tôi muốn các học sinh nói được hai thứ tiếng và hiểu được hai văn hóa” - bà Sara Wescott, trợ lý phụ trách giáo dục tiểu học của GGUSD, giải thích.


Chương trình dạy song ngữ này là kết quả của một quá trình vận động nhiều năm của cộng đồng người Mỹ gốc Việt tại Quận Cam, trên cơ sở nó sẽ giúp làm tăng khả năng nhận thức cho học sinh.


Bà Wescott ước tính khoảng 25-50 học sinh mẫu giáo chuyển tiếp - những em đủ 5 tuổi tính từ ngày 2-9 đến 2-12 - tại Trường tiểu học John Murdy sẽ tham gia chương trình dạy song ngữ tiếng Việt. Thống kê cho thấy khoảng 72% học sinh trường này nói được tiếng Việt.


Trong năm học 2016-2017, cả Học khu Garden Grove có hơn 12.000 học sinh nói tiếng Việt trên tổng số 44.000 em, theo số liệu của bang California.


Bà Natalie Tran - giám đốc Trung tâm tài nguyên quốc gia vì ngôn ngữ châu Á (ĐH California), là người đã giúp GGUSD phát triển chương trình song ngữ tiếng Việt.


Bà hi vọng thơ ca, âm nhạc, văn học, nghệ thuật tạo hình và các dịp sum họp gia đình sẽ giúp học sinh tăng cường vốn hiểu biết về văn hóa Việt Nam.


Bà Tran cho biết một số học khu khác ở Quận Cam cũng tỏ ra quan tâm đến chương trình dạy tiếng Việt. “Cảm giác rất vui và tự hào khi chứng kiến ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam trở nên hiển hiện và là một phần của chương trình học cho những đứa trẻ” - bà Tran bày tỏ.


Theo bà Wescott, GGUSD có kế hoạch mở rộng chương trình song ngữ tiếng Việt cho học sinh mẫu giáo trong năm học tới. “Trong vòng 7 năm chúng tôi muốn mở rộng lên đến bậc tiểu học” - bà nói.


Học khu Garden Grove bao gồm toàn bộ thành phố Garden Grove và một phần các thành phố Westminster, Fountain Valley, Santa Ana, Anaheim, Stanton…


Ðây là một trong những học khu lớn nhất của Quận Cam ở miền Nam California là nơi có đông đảo người gốc Việt định cư tại Mỹ sinh sống.

Mỹ lần đầu cho phép điều chỉnh gen trị ung thư

Loại thuốc mới sẽ được "thiết kế riêng" cho từng bệnh nhân - Ảnh: Novartis

Phương cách này được đánh giá là hiệu quả hơn dùng thuốc đại trà bởi nó dựa trên cơ chế phòng vệ riêng của từng người.


Cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ (FDA) thông báo rằng đã ra quyết định “mang tính lịch sử” khi thông qua liệu pháp gen táo bạo này nhằm thúc đẩy “cách tiếp cận mới đối với điều trị ung thư và các căn bệnh nghiêm trọng, đe dọa tính mạng con người khác”.


Phương pháp có tên Kymiah của hãng dược Novartis được quảng cáo là phương pháp điều trị dứt điểm một lần và thực hiện thông qua tĩnh mạch.


Theo đó, người của của Novartis sẽ "thiết kế" lại gen của các tế bào miễn dịch lấy từ máu của chính các bệnh nhân và biến chúng thành các “sát thủ” săn lùng tế bào ung thư.


Loại “thuốc sống” được gọi là CAR-T nhắm đến căn bệnh ung thư máu cấp thể Lympo - loại ung thư phổ biến nhất của trẻ em ở Mỹ.


Kết quả ban đầu khá khả quan khi 83% người được điều trị bằng phương pháp này khỏi hẳn ung thư trong vòng ba tháng đầu.


Các phương pháp điều trị hiện tại, như phẫu thuật và hóa trị, giúp 85% trẻ em bị ung thư thuyên giảm bệnh tình trong năm năm hoặc lâu hơn, theo Hiệp hội ung thư Mỹ.


Chưa rõ kết quả về lâu dài của giải pháp chỉnh gen sẽ ra sao.


Nhưng trước mắt, hãng dược Novartis ra giá đến 475.000 USD cho phương pháp điều trị này dù cho biết sẽ không lấy tiền nếu bệnh nhân không có phản ứng trong tháng đầu.


Mức giá khủng nói trên đã khiến nhiều người lo ngại nó có thể tạo ra một thế hệ thuốc điều trị siêu đắt đỏ mà không phải ai cũng có thể chi trả.


Ông David Mitchel, chủ tịch tổ chức Bệnh nhân vì thuốc vừa túi tiền, chê trách Novartis đưa ra thị trường loại thuốc đắt đỏ “để họ có thể thu nhiều tiền hơn từ mọi người”.


Phương pháp này cũng chỉ có thể điều trị cho vài trăm bệnh nhân mỗi năm. Ngoài ra, nó gặp khó khăn khi xử lý các “khối u cứng” như ung thư phổi, ung thư tế bào hắc tố. Một số phản ứng phụ như chứng thải cytokine rất nguy hiểm dù có thể được kiểm soát bằng thuốc.


Dù vậy, phương pháp mới vẫn được giới khoa học tán dương. “Chúng tôi chưa từng thấy điều gì như vậy trước đó” - đài BBC dẫn lời bác sĩ Stephan Grupp của Bệnh viện nhi Philadelphia, nơi đang hợp tác với Novartis, cho biết một bé gái suýt chết vì ung thư nay đã thuyên giảm nhờ phương pháp mới.


“Chúng tôi rin rằng đây chỉ là khởi đầu của nhiều cách điều trị dựa trên liệu pháp miễn dịch đối với nhiều căn bệnh ung thư khác nhau sẽ sớm ra đời” - bác sĩ David Maloney của Trung tâm nghiên cứu ung thư Fred Hutchinson, đánh giá.


“Chúng ta đang bước vào mặt trận mới trong việc cách mạng ngành dược với khả năng điều chỉnh các tế bào máu của chính bệnh nhân để tấn công một căn bệnh ung thư chết người” - cơ quan FDA đánh giá về liệu pháp điều chỉnh tế gen bào đầu tiên mà tổ chức này chấp thuận.

Các điều trị mới hiện vẫn còn đắt đỏ. Ảnh bên trong một phòng nghiên cứu ung thư tại Anh - Ảnh: REUTERS

Trung Quốc 'sốc' khi bị cáo buộc chia rẽ Liên minh châu Âu

Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel - Ảnh: Reuters

Trước đó, ông Gabriel đã có những nhận xét không hay về phía Trung Quốc, khi khẳng định Bắc Kinh không nên “cố chia rẽ chúng tôi”.


Ngoại trưởng Đức cho rằng Trung Quốc đã dùng tư cách một nhà đầu tư để gây ảnh hưởng lên các quyết định của Liên minh châu Âu (EU).


Đây là nhận định liên quan tới những lời phàn nàn từ các nước châu Âu về cách Trung Quốc hạn chế họ tiếp cận thị trường, về thép và một số vấn đề khác.


Trong phát biểu ngày 31-8, bà Hoa Xuân Oánh đặt dấu hỏi về những khái niệm như “một EU” mà ông Gabriel đã sử dụng.


“Chúng tôi hy vọng rằng ông ấy có thể làm rõ ý nghĩa của ‘một châu Âu’, và liệu có quy tắc nào là ‘một châu Âu’ giữa các thành viên châu Âu hay không.


Chúng tôi hy vọng và tin rằng phát biểu của ông ấy về nỗ lực của Trung Quốc trong việc chia rẽ châu Âu là không đại diện cho suy nghĩ của hầu hết công dân ở châu Âu”, hãng tin AP dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc.


Trong chuyến thăm Paris (Pháp) ngày 30-8, ông Gabriel kêu gọi các nước châu Âu thể hiện lập trường chung về Trung Quốc, và nói rằng Bắc Kinh “nên có chính sách ‘một châu Âu’ và đừng cố gắng chia rẽ chúng tôi”.


Hồi tháng 6 qua, Hi Lạp là nước chặn một tuyên bố của EU có nội dung chỉ trích tình hình nhân quyền ở Trung Quốc.


Hungary, nơi Trung Quốc là nhà đầu tư lớn, cũng chặn một số tuyên bố khác.

Trung Quốc dự kiến khai mạc đại hội Đảng vào ngày 18-10


Đây là đề xuất của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc trình lên Hội nghị Trung ương 7 khóa 18 của Đảng dự kiến họp vào ngày 11-10 để thông qua.


Thông báo không cho biết kỳ đại hội sẽ kéo dài trong thời gian bao lâu.


Đại hội lần thứ 19 là sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng của Đảng Cộng sản Trung Quốc, diễn ra 5 năm/lần và có tác động sâu sắc đến nhân sự bộ máy chính quyền nhà nước, đường lối phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế của nước này.


Từ khi thành lập đảng đến nay, Trung Quốc đã tiến hành 18 kỳ Đại hội. Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 19 dự kiến sẽ có hơn 350 ủy viên chính thức và dự khuyết.


Tại phiên họp đầu tiên, Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa mới sẽ bầu Tổng Bí thư, Bộ Chính trị, Thường vụ Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương và Ủy ban Quân sự Trung ương.


Tân Hoa xã cho biết đại hội 19 được kỳ vọng sẽ “phân tích sâu sắc tình hình quốc tế và trong nước ở thời điểm hiện tại”, cũng như đề ra kế hoạch hành động và phương hướng chính sách của quốc gia châu Á trong thời gian tới.


Ông Tập Cận Bình được kỳ vọng sẽ đưa đường lối phát triển của Trung Quốc trong vòng 5 năm tới vào nội dung thảo luận của kỳ đại hội, trong đó đặc biệt chú trọng đến các lĩnh vực như cải cách kinh tế, hiện đại hóa quân đội và chống tham nhũng.

Mỹ 'xả kho' 500.000 thùng dầu thô hạ nhiệt giá dầu sau bão Harvey


Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2012 chính phủ nước này cho “xả kho” dự trữ dầu để ứng phó với các tình huống khẩn cấp.


Tổng cộng có 200.000 thùng dầu thô ngọt (hàm lượng lưu huỳnh cao) và 300.000 thùng dầu thô chua (hàm lượng lưu huỳnh thấp hơn) sẽ được giải ngân trong thời gian tới, hãng tin Reuters dẫn thông báo của Bộ Năng lượng Mỹ cho biết.


Số dầu thô trên sẽ được chuyển đến nhà máy lọc dầu Phillips 66 ở thành phố Lake Charles bang Louisiana để lọc trước khi đưa ra thị trường.


Kho dự trữ có trữ lượng 679 triệu thùng dầu thô của Mỹ được thành lập vào đầu những năm 1970, sau khi Tổ chức các nước Ả rập xuất khẩu dầu mỏ ban bố lệnh cấm xuất khẩu dầu, tạo nên một cơn khủng hoảng nguồn cung tại Mỹ.


Theo các chuyên gia, 500.000 thùng dầu thô là con số rất nhỏ so với lượng tiêu thụ gần 20 triệu thùng dầu thành phẩm/ngày tại quốc gia này.


Siêu bão Harvey đổ bộ lên miền Nam nước Mỹ từ tuần trước đã làm tê liệt khoảng 1/4 sản lượng lọc dầu của nước này, do khu vực này được coi là trung tâm lọc dầu cả nước.


Giá dầu tại Mỹ đã tăng phi mã sáng 31-8 sau khi công ty quản lý hệ thống ống dẫn dầu lớn nhất tại Mỹ Colonial Pipeline cho biết họ sẽ cho ngưng hoạt động tạm thời đường ống dẫn dầu tới miền Đông Bắc nước này do thiếu nguồn cung và nguy cơ mất điện tại các trạm bơm.


Người phát ngôn Bộ Năng lượng Mỹ Jess Szymanski ngày 31-8 cho biết bộ này “sẽ tiếp tục xem xét các đề nghị giải ngân dự trữ dầu” trong thời gian tới tùy theo tình hình thực tế diễn biến của giá dầu trong nước.

Nhà máy hoá chất ở Texas phát nổ, bốc khói








Nhà cửa ở Tây bắc Houston vẫn ngập trong nước ngày 30-8 - Ảnh: Reuters


Trung tâm Khẩn cấp hạt Harris, thành phố Houston thông báo đã có hai vụ nổ xảy ra tại nhà máy hóa chất Arkema SA ở thị trấn Crossby sau một thời gian nhà máy này bị nhấn chìm trong nước do ảnh hưởng của bão.


Cơ quan Quản lý Tình trạng Khẩn cấp Liên bang (FEMA) của Mỹ sau đó cảnh báo các cột khói bốc lên từ nhà máy sau vụ nổ là "vô cùng nguy hiểm" nhưng các quan chức địa phương sau đó cho rằng khói chỉ gây ngứa ngáy.


Một sĩ quan cảnh sát tại hiện trường đã phải nhập viện do hít phải khói này. Chính quyền địa phương cũng đã ra lệnh cho dân chúng sơ tán ra khỏi phạm vi 3 km cách xa nhà máy Arkema SA vì lo ngại có nhiều phản ứng hóa học xảy ra tại nhà máy này.


Theo BBC, các quan chức vẫn đang đánh giá tình hình sau vụ nổ. Nhà máy trên thuộc quản lý của Tập đoàn Arkema đến từ Pháp, là nơi sản xuất ô-xi già, một vật liệu dễ cháy, chuyên sử dụng trong sản xuất nhựa tổng hợp, sơn và các sản phẩm khác.


Công ty Akrkema xác nhận đã xảy ra hoả hoạn tại đây và cảnh báo các vụ nổ sẽ còn tiếp tục xảy ra bởi họ không có cách nào cứu hoả trong tình hình lũ lụt như hiện tại. Các thùng hoá chất còn lại trong nhà máy dự kiến cũng sẽ sớm bắt lửa. "Chúng đang cháy rất mạnh. Hấu hết các chất này sẽ bị lửa thiêu rụi" - Bob Royal, thuộc văn phòng cứu hoả địa phương, nhận định.


Nguyên nhân vụ việc được cho là nước lụt đã ảnh hưởng đến hệ thống làm lạnh hoá chất bên trong nhà máy. Ban an toàn hoá chất Mỹ cho biết đã mở cuộc điều tra vụ việc.


Tuy nhiên thông báo chung giữa Cơ quan bảo vệ môi trường liên bang và chính quyền Texas tối ngày 31-8, giờ địa phương, cho rằng "chúng ta đang đối phó với một vụ hoả hoạn, không phải rò hoá chất. Chúng tôi sẽ liên tục theo dõi đám khói và chất lượng không khí".


Khắc phục hậu quả


Trong khi đó, nỗ lực tìm kiếm người sống sót tiếp tục diễn ra tại Texas khi cơn bão Harvey suy yếu. Sau khi đổ bộ vào Mỹ hồi cuối tuần qua, cơn bão Harvey đã trút lượng mưa lên tới gần 2.000 mm xuống các khu vực bờ biển ở bang Texas và thành phố Houston, tương đương với 34.000 tỷ lít nước, và cướp đi sinh mạng của 35 người. Ước tính, thiệt hại vật chất do cơn bão này gây ra khoảng 58 tỷ USD.


Ngoài ra, Bộ Năng lượng Mỹ thông báo sẽ trích xuất 500.000 thùng dầu thô từ Kho dự trữ dầu mỏ chiến lược của nước này nhằm ứng phó với tình hình biến động sản lượng khai thác dầu mỏ do cơn bão lịch sử Harvey gây ra.


Kho dự trữ dầu mỏ chiến lược của Mỹ được hình thành vào những năm 70 của thế kỷ 20, trong đó hiện chứa 679 triệu thùng dầu thô. Đây là lần mở kho dầu dự trữ chiến lược đầu tiên kể từ năm 2012.


Cơn bão đã làm ngưng trệ hoạt động lọc dầu, khiến công suất lọc dầu của các nhà máy tại Mỹ giảm 25%. Hiện công suất tại các nhà máy hóa dầu ở riêng Texas và Louisiana ước tính đạt khoảng 3,6 triệu thùng/ngày, chiếm khoảng 20% tổng công suất của Mỹ.


Goldman Sachs dự báo sẽ phải mất nhiều tháng để đưa hoạt động sản xuất xăng dầu có thể trở lại như trước. Thống kê cho thấy tuần trước, nhu cầu tiêu thụ xăng tại Mỹ đã chạm mức kỷ lục 9,846 triệu thùng/ngày.

Mỹ yêu cầu Nga đóng cửa tổng lãnh sự quán





Tổng lãnh sự quán Nga tại San Francisco, Mỹ - Ảnh: Reuters


Các cơ sở bị đóng cửa gồm tổng lãnh sự quán tại San Francisco cùng 2 cơ sở Thương vụ tại Washington và New York.


Động thái trên là phản ứng của Mỹ về việc bị điện Kremlin yêu cầu cắt giảm số lượng nhân viên ngoại giao tại Nga. Tháng trước, Matxcơva đã yêu cầu Washington cắt giảm hơn một nửa số cán bộ ngoại giao và nhân viên xuống còn 455 người, sau khi Quốc hội Mỹ ủng hộ việc áp đặt các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga.


"Chúng tôi tin rằng hành động này là không xác đáng và gây thiệt hại cho quan hệ chung giữa hai nước" - Reuters dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert.


Theo yêu cầu của Mỹ, Nga phải đóng cửa ba cơ sở ngoại giao trên trước ngày 2-9.


Ngoài việc đóng cửa Tổng lãnh sự quán tại San Francisco, phía Mỹ cũng yêu cầu Nga giảm số lượng nhân viên ngoại giao tại Đại sứ quán ở thủ đô Washington và Tổng lãnh sự quán tại New York.


Theo bà Nauert, như vậy tại mỗi nước sẽ đều có ba tổng lãnh sự quán với tổng cộng 455 nhân viên ngoại giao.


Reuters cho biết bộ trưởng ngoại giao Mỹ Rex Tillerson đã thông báo qua điện thoại với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov về vụ việc. "Chúng tôi sẽ tìm hiểu kỹ các biện pháp mới của chính quyền Mỹ trước khi phản ứng" - bộ ngoại giao Nga thông báo, cho biết "lấy làm tiếc" về động thái mới của Mỹ.


Trong khi đó, Tổng lãnh sự Nga tại San Francisco, ông Sergei Petrov cho biết Tổng lãnh sự quán sẽ hành động theo chỉ thị của ban lãnh đạo Nga. Nga đã thiết lập sự hiện diện ngoại giao tại San Francisco từ năm 1852. Tòa lãnh sự Nga tại thành phố này từng bị đóng cửa vào năm 1924 do thiếu kinh phí và được mở trở lại năm 1934 sau khi Washington thiết lập quan hệ ngoại giao với Liên Xô cũ.

Vé tham dự buổi giới thiệu sách của bà Clinton lên tới hơn 2.000 USD








Bà Hillary Clinton và ông Donald Trump trong một phiên tranh luận trực tiếp trên truyền hình năm ngoái - Ảnh: REUTERS



Theo đài Fox News (Mỹ), bắt đầu từ tháng 9 này, cựu ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ sẽ khởi động tour hành trình trên toàn nước Mỹ và Canada để giới thiệu cuốn hồi ký mới ra mắt của bà có tên What happened (tạm dịch: Chuyện đã xảy ra).


Đây là cuốn sách bà Clinton chia sẻ lại những tâm tư, suy nghĩ của cá nhân về giai đoạn tranh cử căng thẳng, ồn ào năm ngoái trước đối thủ của đảng Cộng hòa là tỉ phú Donald Trump.


Với giá tiền 2.375,95 USD (tương đương 3.000 đô la Canada), những người hâm mộ bà Clinton ở thành phố Toronto sẽ nhận được tấm vé VIP hạng Bạch kim cho buổi nói chuyện ngày 28-9.


Giá vé này bao gồm một chỗ ngồi ở hai hàng ghế đầu, một bức ảnh chụp chung với bà Clinton và một cuốn sách có chữ ký của bà. Mức giá "khủng" rõ ràng đã gây chú ý đặc biệt với ngành công nghiệp xuất bản.


Tuy nhiên nhà xuất bản Simon & Schuster, đơn vị xuất bản cuốn hồi ký của bà Clinton cho rằng giá vé này là bình thường khi họ tổ chức những sự kiện tương tự dành cho các tác giả lớn.


Tuy nhiên bên cạnh các vé VIP thì những loại vé phổ thông khác để tham dự các buổi giới thiệu sách của bà Clinton cũng đã được chào bán ở nhiều mức giá khác thấp hơn.


Chẳng hạn, cũng tại Toronto, các vé tham dự có giá 70,49 USD (89 đô la Canada) đã bán hết sạch.


Giá vé tham gia các sự kiện của bà Clinton cũng không giống nhau tại các địa điểm. Ở quận Broward, bang Florida, sự kiện ngày 3-10 của bà có giá vé từ 50-375 USD.


Trong khi đó sự kiện ngày 1-11 của bà ở thành phố New York, giá vé VIP là 750 USD.


Giới quan sát nhận định, các mức giá vé, nhất là những vé VIP, để tham dự các sự kiện của bà Clinton, đều đắt hơn so với các sự kiện tương tự của những nhân vật nổi tiếng trước đây.


Chẳng hạn, giá vé tham dự sự kiện ra mắt cuốn sách lớn đầu tiên của cựu Bộ trưởng quốc phòng Robert Gates năm 2014 cũng chỉ có giá 30 USD.


Cuốn What happened của bà Clinton sẽ chính thức lên kệ ngày 12-9. Ngày 18-9, bà sẽ có buổi nói chuyện đầu tiên về nó tại nhà hát Warner ở Washington.


Tiếp sau đó, bà sẽ tham gia tour hành trình tới Canada cũng như các bang của Mỹ.

Luật sư Trung Quốc bị bắt vì ăn cắp bí mật thương mại






Theo hãng tin Reuters, cáo trạng của tòa án liên bang thành phố Boston nêu rõ Lưu Đông (Liu Dong), 44 tuổi, bị cảnh sát bắt giữ tại thành phố Raynham, bang Massachusetts, hôm 27-8.


Giám đốc điều hành của Medrobotics (chuyên chế tạo các sản phẩm robot phẫu thuật), ông Samuel Straface phát hiện vị luật sư về sáng chế này, làm việc cho một công ty luật có trụ sở tại Bắc Kinh, trong một phòng họp của công ty cùng với 3 máy tính xách tay được bật sẵn.


Theo Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), Liu khai rằng ông có mặt tại đó để gặp các quan chức của công ty, trong đó có ông Straface, mặc dù trên thực tế không hề có cuộc gặp nào được lên kế hoạch.


Thông tin tại tòa cho biết luật sư họ Lưu không giải thích được lý do vì sao có thể vào được tòa nhà luôn được bảo vệ 24/24 và phải có thẻ nhận diện để vào.


Luật sư Lưu khai từ Montreal sang Mỹ và có hộ chiếu Trung Quốc.


Ngày 30-8, Lưu đã phải ra hầu tòa với cáo buộc đánh cắp bí mật thương mại và cố tình thâm nhập máy tính trái phép.


Vụ việc diễn ra trong bối cảnh Mỹ ngày càng quan ngại về tình trạng bí mật thương mại bị đánh cắp, đặc biệt từ phía Trung Quốc dù rằng Bắc Kinh luôn chối bỏ và khẳng định mình cũng là nạn nhân của vấn nạn toàn cầu này.


Hôm 14-8, tổng thống Donald Trump đã ký một sắc lệnh ủy quyền tiến hành điều tra cáo buộc về những vi phạm bản quyền trí tuệ Mỹ của Trung Quốc.


Theo sắc lệnh đó, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer được chỉ đạo xác định liệu các chính sách thương mại của Trung Quốc có ép buộc các công ty Mỹ hoạt động tại Trung Quốc phải chuyển giao công nghệ cho nước này để được làm ăn tại đấy hay không.


Trung Quốc đã lập tức bày tỏ quan ngại về sắc lệnh hành pháp nêu trên của Tổng thống Trump, đồng thời cảnh báo sẽ có các biện pháp đáp trả phù hợp nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Tân Đại sứ Nga tại Mỹ: Moscow không yêu cầu Mỹ dỡ cấm vận



Trong bài trả lời phỏng vấn đăng trên tờ Kommersant của Nga ngày 30-8, Đại sứ Anatoly Antonov khẳng định: “Nga sẽ không bao giờ và cũng không có ý định yêu cầu Mỹ hủy bỏ các biện pháp cấm vận liên tiếp nhằm vào Nga, dù rõ ràng các biện pháp này là thái độ thù địch chống lại đất nước chúng ta”.


Người đại diện ngoại giao của Nga tại Mỹ nhấn mạnh: “Quả bóng giờ trên sân của Washington” nghĩa là Mỹ phải chủ động nếu muốn hàn gắn quan hệ với Nga.

Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov. Ảnh: Sputnik

Đại sứ Nga dẫn lời người tiền nhiệm Sergei Kislyak cho hay: “Bất kể thế nào, rõ ràng Nga và Mỹ chỉ có thể hợp tác hiệu quả khi các công cụ gây sức ép không còn được dùng trong đối thoại. Không có chỗ cho chuyện mặc cả và những ý định áp đặt ý muốn của mình”.


Mặc dù vậy, ông Anatoly Antonov cũng cho rằng đã đến lúc nay nước nối lại các cuộc gặp giữa bộ trưởng ngoại giao và bộ trưởng quốc phòng Nga - Mỹ theo hình thức “2+2".


Ngoài ra, Đại sứ Antonov cũng kêu gọi Nga - Mỹ tiến hành các cuộc gặp giữa những người đứng đầu Cơ quan An ninh Liên bang Nga và Cơ quan Tình báo Nước ngoài Nga với Cục Điều tra Liên bang Mỹ và Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ.


“Mối quan hệ hợp tác làm việc giữa Hội đồng An ninh Nga và Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ sẽ giúp cho cuộc chiến chống khủng bố cũng như các mối đe dọa an ninh mạng và góp phần vào quá trình ổn định chiến lược”, Đại sứ Antonov cho biết.


Trước đó, giới truyền thông Mỹ đã loan tin về một bản kế hoạch của trang của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, trong đó đề cập tới việc cải thiện quan hệ song phương Nga - Mỹ. Tuy nhiên, Đại sứ Antonov cho biết phía Nga chưa nhận được văn bản này, măc dù vẫn “rất quan tâm đến việc hợp tác với Mỹ trên mọi mặt.”


Mối quan hệ Nga-Mỹ bắt đầu xấu đi từ năm 2014 sau cuộc khủng hoảng Ukraine và việc Nga đồng ý sáp nhập bán đảo Crimea theo yêu cầu của người dân Crimea. Mối quan hệ mang tính “định hình thế giới” này càng tồi tệ hơn sau các biện pháp trừng phạt của chính quyền Barack Obama từ cuối năm 2016 và của chính quyền Tổng thống Trump thời gian vừa qua.


Thiện Nhân


Quân đội Mỹ điều hàng chục máy bay hỗ trợ chống bão


Phi cơ P-8A Poseidon. Ảnh: Military Today.

Quân đội Mỹ ngày 30/8 đã điều một máy bay trinh sát P-8 Poseidon của hải quân và một máy bay cảnh báo sớm trên không E-3 Sentry của không quân thực hiện nhiệm vụ thu thập dữ liệu về các khu vực ngập lụt tại bang Texas, theo Military.


Theo Bộ quốc phòng Mỹ, sứ mệnh này được điều phối bởi trung tâm Tác chiến - Giám sát tình huống trên không (AOC) 601, đóng tại căn cứ không quân Tyndall, Florida đồng thời là nơi đặt trụ sở của trung tâm Điều phối Cứu hộ không quân Mỹ.


Các nhân viên tại trung tâm tác chiến phi tấn công duy nhất của Mỹ này sẽ hoạt động theo ca nhằm hỗ trợ chính quyền bang Texas tìm kiếm và cứu giúp những người mất tích do hậu quả của siêu bão Harvey.


Phát ngôn viên Bộ Tư lệnh phương Bắc Mary McHale cho biết, AOC 61 cũng đang vận hành 11 trực thăng HH-60 Pave Hawk và 7 chiếc máy bay vận tải HC-130J thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn và cung cấp lương thực, hàng hóa cho người dân trên toàn bang.


Không quân Mỹ cho biết, hai chiếc vận tải cơ Globemaster III C-17 mang theo 36 tấn hàng cứu trợ ngày 30/8 cũng đã có mặt tại sân bay Alexandria ở Alexandria, bang Louisiana sẵn sàng cứu trợ Texas.


Đường đi của bão Harvey đến 1 giờ sáng 30/8. Đồ hoạ: New York Times.

Ngoài ra, hai chiếc C-130 Hercule và hơn 30 phi công thuộc hai phi đội chiến thuật đặc biệt 123 và 125 không quân Mỹ cũng tham gia công tác cứu hộ nhân đạo.


Bão Harvey, mạnh cấp 4, bắt đầu đổ bộ bang Texas từ cuối ngày 25/8. Đây là cơn bão mạnh nhất tấn công nước Mỹ trong 12 năm, với sức gió 210 km/h. Bão gây ra tình trạng lụt lội nghiêm trọng, khiến ít nhất 33 người thiệt mạng và làm tê liệt Houston, thành phố đông dân thứ 4 của Mỹ. Thiệt hại có thể lên đến hàng chục tỷ USD.


Thống đốc bang Texas Greg Abbott đã ra lệnh huy động toàn bộ lực lượng Vệ binh Quốc gia Texas với khoảng 12.000 binh sĩ ứng phó với bão.


Nguyễn Hoàng

Bác sĩ Ấn Độ lăng mạ nhau bên bàn mổ sản phụ





 Cuộc cãi vã của hai bác sĩ Ấn Độ bên bàn mổ sản phụ. Video: YouTube.


Hai bác sĩ của Bệnh viện Umaid ở thành phố Jodhpur, bang Rajasthan bị đình chỉ công tác trong lúc chờ bệnh viện điều tra về đoạn video họ cãi vã bên bàn mổ đẻ, BBC ngày 30/8 dẫn lời bác sĩ Rajana Desai, quản lý bệnh viện cho biết. 


Theo bà Desai, hai bác sĩ trong vụ cãi vã là bác sĩ Ashok Nanival và bác sĩ Mathura Lal Tak. Trong video lan truyền và gây phẫn nộ trên mạng xã hội, họ lăng mạ nhau bằng tiếng Hindi trước khi tranh cãi khả năng sản phụ đã ăn trước ca mổ đẻ. 


Bác sĩ Desai khẳng định sản phụ và đứa trẻ bất đắc dĩ liên quan trong cuộc đôi co đều khỏe mạnh. "Trước thời điểm tôi thấy video và tiến hành một cuộc điều tra, truyền thông đưa tin đứa trẻ đã qua đời", bà nói.


Đứa trẻ được đưa tin đã chết là thai nhi chết lưu của sản phụ khác trong cùng phòng mổ. "Hai vụ việc không liên quan đến nhau", bác sĩ Desai khẳng định. 


Bệnh viện đang thu thập thông tin để xác định ai quay phim và cách video bị phát tán. Tòa Tối cao Rajasthan tiến hành một cuộc điều tra song song ở cấp bang, đồng thời yêu cầu bệnh viện báo cáo về vụ việc.


Vũ Phong

Hàn Quốc lập kế hoạch chiếm đóng chớp nhoáng Triều Tiên


Binh sĩ Hàn Quốc tham gia diễn tập cơ động lực lượng. Ảnh: Pinterest.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đang xây dựng kế hoạch nhằm giảm sự phụ thuộc vào quân đội Mỹ, cũng như tăng cường khả năng phòng vệ trước chương trình vũ khí Triều Tiên. Kế hoạch hoàn thiện sẽ cho phép Seoul "nhanh chóng chuyển sang trạng thái tiến công nếu Bình Nhưỡng có hành động khiêu khích vượt quá ngưỡng cho phép hoặc trực tiếp gây chiến", Sputnik ngày 30/8 dẫn lời Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.


Dự thảo tác chiến mới sẽ giúp chỉ huy quân đội Hàn Quốc triển khai lực lượng chớp nhoáng, cho phép tấn công và chiếm thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên chỉ trong vài tuần mà không cần Mỹ yểm trợ. Bên cạnh đó, Tổng thống Moon liên tục hối thúc quan chức quốc phòng cải thiện khả năng cơ động lực lượng của quân đội, cũng như tăng cường hệ thống phòng không.


Một trong những giải pháp được đưa ra là tổ chức chiến dịch đổ bộ đường không ồ ạt xuống thủ đô Bình Nhưỡng, nhằm vô hiệu hóa bộ máy lãnh đạo và khả năng kích hoạt tấn công hạt nhân của Triều Tiên. "Mục tiêu tối thượng là rút ngắn cuộc chiến hết mức có thể", một quan chức Hàn Quốc cho biết.


Tuy nhiên, một số chỉ huy quân đội Mỹ cho rằng việc đòi hỏi thắng lợi nhanh chóng là quá tầm tay Hàn Quốc, đồng thời tạo tâm lý khinh địch cho binh sĩ nước này.


"Nhiều người cho rằng có thể giành được chiến thắng chớp nhoáng bằng lực lượng nhỏ với trình độ công nghệ cao, sử dụng vũ khí chính xác từ khoảng cách an toàn. Tuy nhiên, chiến tranh luôn ẩn chứa nhiều yếu tố bất ngờ, có thể thay đổi trong chớp mắt", cố vấn an ninh quốc gia Mỹ H.R. McMaster khẳng định.


Triều Tiên hôm 29/8 phóng một tên lửa đạn đạo Hwasong-12 qua lãnh thổ Nhật Bản. Quả đạn đạt độ cao 550 km và bay xa 2.700 km, trước khi tách thành ba phần và rơi xuống biển. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên qua lãnh thổ nước này là mối đe dọa "nghiêm trọng chưa từng có, gây tổn hại lớn đến an ninh, hòa bình khu vực". Hàn Quốc sau đó cũng tiến hành diễn tập ném bom vào mục tiêu giả định là ban lãnh đạo Triều Tiên.


Tử Quỳnh

Nhà máy hóa chất ở Texas có nguy cơ cháy nổ sau bão Harvey


Nhà máy hóa chất Arkema ở Crosby, bang Texas. Ảnh: Google Maps.

Trong thời gian bão Harvey đổ bộ, gây mưa lớn, nhà máy hóa chất Arkema tại Crosby, Texas, bị mất điện, không thể làm mát các hóa chất cần bảo quản trong điều kiện này. Những hóa chất trên bay hơi khi nhiệt độ tăng.


"Sẽ có hỏa hoạn. Nó tương tự đám cháy do xăng gây ra. Sẽ có nổ", Janet Smith, người phát ngôn Arkema, nói với AP ngày 30/8.


"Không có cách nào ngăn vụ nổ", Rich Rowe, giám đốc điều hành Arkema, cho biết trước đó.


Nhà máy của Arkema, nằm cách thành phố Houston khoảng 40 km về phía đông bắc, chuyên sản xuất peroxide hữu cơ, họ các hợp chất thường được sử dụng từ trong dược phẩm đến vật liệu xây dựng.


"Nhiệt độ tăng, những hóa chất sẽ phân hủy, tạo khói trắng và bắt lửa", Smith cho biết thêm. "Nguy cơ hỏa hoạn cận kề. Câu hỏi là khi nào nó cháy".


Arkema đóng cửa cơ sở ở Crosby trước khi bão Harvey bắt đầu đổ bộ Texas hôm 25/8 và cử một nhóm 11 người ở lại nhà máy. Nhóm này đã rời đi, người dân sống trong bán kính 2,4 km được yêu cầu sơ tán hôm 29/8, sau khi nhà máy mất điện.


Bão Harvey mang theo mưa lớn và gió mạnh, gây lụt nghiêm trọng tại Houston. Bão đã làm 33 người thiệt mạng. Hôm 30/8, Harvey đổ bộ Mỹ lần hai, ảnh hưởng dải bờ biển từ thành phố Port Arthur, Texas, tới Lake Charles, bang Louisiana.


Rachel Moreno, người phát ngôn sở cứu hỏa hạt Harris, nói tình hình trong bán kính 2,4 km từ nhà máy đang được xử lý với sự tham gia của Bộ An ninh Nội địa Mỹ (DHS) và các chuyên gia.


"Tình hình đáng ngại? Đúng", Moreno nói. "Nhà máy đã bị nước bao vây, do đó, chúng tôi không nghĩ lửa có thể lan đi nơi khác".


Arkema được yêu cầu phải nộp kế hoạch quản lý rủi ro cho Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) vì công ty có lưu trữ lượng lớn sulfur dioxide, một hóa chất độc, và methylpropene, khí dễ cháy. Kế hoạch mô tả chi tiết tác động của việc rò rỉ, đánh giá trường hợp tệ nhất và giải thích cách ứng phó của công ty.


Trong báo cáo nộp năm 2014, Arkema mô tả với trường hợp tệ nhất, 1,1 triệu người dân trong bán kính khoảng 37 km sẽ bị ảnh hưởng.


Như Tâm

Mỹ điều B-1B, F-35 đến Hàn Quốc răn đe Triều Tiên


Oanh tạc cơ B-1B của Mỹ. Ảnh: Reuters.

Quân đội Mỹ đã điều hai oanh tạc cơ B-1B của không quân từ Guam cùng 4 tiêm kích tàng hình F-35B của thủy quân lục chiến từ Nhật Bản tới Hàn Quốc để tham gia bay huấn luyện với một phi đội máy bay chiến đấu F-15K của Seoul, Yonhap hôm nay đưa tin.


Các máy bay chiến đấu hai nước cũng diễn tập ném bom tại thao trường Pilseung, tỉnh Gangwon, miền đông Hàn Quốc. Một máy bay tiếp liệu trên không KC-135 Stratotanker của Mỹ cũng được huy động tham gia diễn tập.


Động thái của liên minh Mỹ - Hàn diễn ra chỉ hai ngày sau khi Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo tầm trung Hwasong-12 bay qua đảo Hokkaido của Nhật Bản. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết tầm bắn của tên lửa này đã được rút ngắn xuống chỉ bằng một nửa so với thực tế.


Sau vụ phóng, các quan chức quân sự cấp cao của Mỹ và Hàn Quốc nhất trí sẽ đáp trả mạnh mẽ hành động của Triều Tiên, bao gồm cả việc lựa chọn các biện pháp quân sự cứng rắn.


Nguyễn Hoàng