Thứ Năm, 31 tháng 8, 2017

Giá đắt phải trả của những bộ trưởng nói dối


Pháp



Nước Pháp chưa quên cơn địa chấn mang tên “Bộ trưởng nói dối” liên quan đến cựu Bộ trưởng Ngân sách Pháp, ông Jérôme Cahuzac.


Tháng 12.2012, trang thông tin mạng Mediapart cáo giác, ông Cahuzac có một tài khoản bí mật ở nước ngoài bằng việc cho đăng một đoạn băng ghi lại cuộc điện thoại trong đó một giọng nam được cho là của ông Cahuzac có liên quan đến việc sở hữu một tài khoản tại Ngân hàng UBS của Thụy Sĩ.


Ấy vậy, ông Cahuzac liên tục bác bỏ thông tin này. Ông này khẳng định mình vô tội trong các bài phát biểu trên truyền thông, Quốc hội Pháp và thậm chỉ cả khi nói chuyện trực tiếp với Tổng thống François Hollande.


Thế nhưng rốt cuộc, cái kim trong bọc cũng phải lòi ra. Ngày 19.3.2013, ông Cahuzac buộc phải từ chức sau khi các công tố viên thông báo sẽ tiến hành một cuộc điều tra toàn diện tài khoản bí mật của ông ở Thụy Sĩ.


Sự thật được phơi bày khi ngày 2.4 chính ông Cahuzac thú nhận với hai thẩm phán thụ lý hồ sơ Renaud van Ruymbeke và Roger Le Loire rằng, từ 20 năm nay ông có gửi 600 nghìn euro ở nước ngoài, chủ yếu là thu nhập khi hành nghề bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ và một phần từ các hoạt động tư vấn.


Vụ việc của ông Cahuzac đã tạo ra một cuộc khủng hoảng chính trị vì người dân không còn tin vào chính phủ và phải mất một thời gian dài với những chỉ số tín nhiệm liên tiếp sụt giảm, chính quyền của ông Hollande lúc đó mới vượt qua được.


Philippines


Ở Philippines, Bộ trưởng Ngoại giao P.Yasay cũng phải trả giá đắt vì đã nói dối về hộ chiếu Mỹ. Ông Perfecto Yasay đã bị Hội đồng bổ nhiệm gồm 15 thành viên của Quốc hội, kết luận rằng ông đã nói dối về việc đã có hộ chiếu Mỹ vào năm 1986.


Ông Yasay từng phủ nhận việc ông có hoặc đã “nộp đơn xin theo đúng luật” để có hộ chiếu Mỹ. Nhưng trong một cuộc phỏng vấn bởi một kênh truyền hình cáp, ông này đã thừa nhận là “đã có hộ chiếu Mỹ”.


Sự việc này đã khiến Tổng thống Duteter quyết định bổ nhiệm người thay thế ông Yasay.


Ấn Độ



Tại Ấn Độ, năm 2015, Bộ trưởng giáo dục nước này là bà Smriti Irani cũng đối mặt với bê bối nói dối về bằng cấp khiến cả nước tức giận và bà này phải hầu tòa. Ngày 24.6 một tòa án ở New Dehli đã đồng ý xét xử vụ án do một nhà văn khởi kiện bà Smriti Irani (39 tuổi), Bộ trưởng Phát triển nguồn nhân lực Ấn Độ - tên cũ của chức danh này là Bộ trưởng Giáo dục, vì đã khai man bằng cấp trong nhiều năm.


Người khởi kiện cáo buộc hồi năm 2004, bà Irani nói rằng mình có bằng nghệ thuật; nhưng năm 2014, tức trước cuộc tổng tuyển cử của Ấn Độ, bà lại khai rằng mình có bằng cấp về thương mại.


Vụ bê boois "nói dối" bằng cấp của nữ bộ trưởng trẻ tuổi, xinh đẹp từng là diễn viên Bollywood và sân khấu Ấn Độ đến ngay sau khi Tổng chưởng lý bang Dehli, ông Jitendra Singh Tomar cũng bị bắt vì tội sử dụng bằng giả.


Thái Lan


Trong khi đó, tại Thái Lan, đã có lúc tranh cãi về phát ngôn “Bộ trưởng đôi khi cũng phải nói dối nếu vô hại”.


Bộ trưởng Tài chính Thái Lan Kittiratt Na-Ranong từng cho rằng, bộ trưởng tài chính đôi khi phải nói dối nếu điều đó là cần thiết để xây dựng lòng tin.


Ông Kittiratt thừa nhận mục tiêu tăng 15% xuất khẩu mà chính phủ đề ra đầu năm nay là một lời nói dối nhưng vô hại. “Bộ trưởng tài chính có thể nói dối về một số thứ, như các mục tiêu về xuất khẩu chẳng hạn. Nhưng đây là những lời nói dối vô hại. Nếu ngay từ đầu tôi nói rằng chúng ta không thể tăng trưởng, điều gì sẽ ảnh hưởng đến lòng tin?” ông Kittiratt nhấn mạnh.


Tuy nhiên, cựu bộ trưởng tài chính dưới thời chính phủ Abhisit Vejjajiva là ông Korn Chatikavanij phản bác lại quan điểm trên và nói rằng “chính điều này có thể làm suy giảm lòng tin”.


Ông Korn cho rằng từ lâu các nhà kinh tế và xuất khẩu bác bỏ khả năng tăng trưởng xuất khẩu 15% trong năm nay bởi nền kinh tế toàn cầu đang yếu kém cộng với tác động trận lụt lịch sử hồi năm ngoái ở Thái Lan.


“Không có lý do gì để nói dối dư luận cả”, ông Korn khẳng khái và quan điểm này của ông Korn đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân Thái Lan.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét