Chủ Nhật, 17 tháng 9, 2017

Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ thiếu hụt sỹ quan nghiêm trọng?

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan

Thông tin trên do tờ Financial Times đưa ra. Theo đó, việc chính quyền Tổng thống Erdogan tăng cường thanh lọc lực lượng sau đảo chính quân sự, Không quân và Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ đang lâm vào cảnh thiếu hụt nghiêm trọng sỹ quan. Chính quyền buộc phải sử dụng đến lực lượng dự bị và điều này đang làm ảnh hưởng đáng kể đến các hoạt động dân sự vì ngành chịu tổn thất đầu tiên là hàng không dân dụng.


Trước đó, hồi tháng 7/2016, các quân nhân trong lực lượng Không quân Thổ Nhĩ Kỳ là các thành viên tích cực nhất của cuộc đảo chính quân sự. Trong số hàng chục nghìn người bị bắt vì tham gia và bị nghi ngờ có dính líu đến đảo chính có hàng trăm phi công quân sự. Theo hãng thông tấn Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ, số lượng tướng lĩnh trong Không quân Thổ Nhĩ Kỳ sau đảo chính đã giảm gần một nửa, từ 72 xuống còn 42. Trong khi đó, số lượng tướng lĩnh và đô đốc trong lực lượng Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ giảm tương ứng từ 198 xuống còn 111 và từ 54 xuống còn 23.


Tổng cộng đã có 1.752 phi công quân sự bị bắt giữ hoặc sa thải. “Việc thiếu hụt phi công trong Không quân Thổ Nhĩ Kỳ đã lên đến đỉnh điểm”- chuyên gia phân tích Metin Gurjan của tạp chí Al-Monitor nhận định với Financial Times.


Tình hình này khiến không chỉ chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ mà cả các nước đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ trong NATO cũng hết sức quan ngại (Thổ Nhĩ Kỳ có số lượng binh sỹ nhiều thứ hai trong số các nước NATO). Hiện Thổ Nhĩ Kỳ thiếu hụt không chỉ các phi công mà cả các kỹ sư hàng không, các sỹ quan chỉ huy, nhất là chỉ huy cấp phi đội.


Để giải quyết vấn đề này, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã áp dụng một vài biện pháp. Thời hạn tối thiểu phục vụ trong quân đội của các phi công đã nâng lên thành 18 năm. Ngoài ra, Ankara còn đề nghị NATO giúp đỡ trong việc hỗ trợ kỹ sư hàng không. Tuy nhiên, Financial Times cho biết hiện Thổ Nhĩ Kỳ chưa nhận được sự trợ giúp này.


Động thái chính để giải quyết vấn đề trên là việc Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã ký sắc lệnh yêu cầu lực lượng phi công dự bị quay trở lại phục vụ quân đội. Từ năm 2012, thời hạn phục vụ quân đội bắt buộc đối với các phi công đã giảm từ 15 năm xuống còn 13 năm nên đã có hàng trăm phi công phải đi kiếm việc khác. Rất nhiều người trong số này đã tìm thấy công việc tại các hãng hàng không dân dụng.



Để khuyến khích lực lượng phi công dự bị quay trở lại quân đội, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cam kết không chỉ bằng mức lương ổn định mà còn bằng các ưu đãi khác. Đây được coi là sự đền bù cho việc các phi công bỏ việc ở các hãng hàng không thương mại. Ngoài ra, các hãng hàng không buộc phải tiếp nhận số phi công này quay trở lại làm việc sau khi họ hết hạn phục vụ Không quân Thổ Nhĩ Kỳ. Những người từ chối quay trở lại quân đội dù đã được đãi ngộ sẽ bị chính quyền tước giấy phép bay trong vòng vài năm.

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ

Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cũng cảnh báo sẽ xem xét đến lượng phi công đang nỗ lực tìm kiếm công việc ở nước ngoài. Theo sắc lệnh trên, phi công buộc phải có mặt tại đơn vị trong vòng 15 ngày sau khi nhận được giấy triệu tập. Trong thời hạn này, phi công sẽ khó có thể tìm kiếm được việc làm ngay trong Thổ Nhĩ Kỳ chứ chưa nói đến tìm việc ở nước ngoài.


Tuy nhiên, các chuyên gia do Financial Times phỏng vấn cho rằng các biện pháp nghiêm khắc này chưa chắc sẽ có thể khôi phục lại khả năng sẵn sàng chiến đấu đã mất của Không quân Thổ Nhĩ Kỳ. “Chưa chắc các biện pháp khắc nghiệt này sẽ giải quyết được vấn đề. Việc khôi phục các kinh nghiệm đã mất sẽ phải mất nhiều năm trời”- chuyên gia Aron Stein của Atlantic Council nhận định với Financial Times.


Được biết, cuộc đảo chính quân sự ở Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu ngày 15/7/2016 nhằm lật đổ chế độ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Tuy nhiên, chính quyền đã phản ứng rất nhanh và đảo chính thất bại. Ít nhất 264 người đã bị giết chết, trong đó có 173 thường dân, 67 nhân viên an ninh chính phủ, 24 người đảo chính và hơn 1.390 người bị thương.


Chính quyền Tổng thống Erdogan sau đó đã tăng cường truy nã những người dính líu đảo chính và tiến hành chiến dịch quy mô lớn thanh lọc lực lượng quân đội, giáo viên.


Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc giáo sỹ Gullen đang sinh sống lưu vong tại Mỹ là chủ mưu cuộc đảo chính này và đề nghị Mỹ dẫn độ giáo sỹ này về nước. Tuy nhiên, yêu cầu này đã bị Mỹ từ chối và đây là một trong các nguyên nhân chính khiến quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ gia tăng căng thẳng giai đoạn cuối nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét